Làng lụa Tân Châu (2)
Overview
Reviews 0

Nhắc đến nghề dệt lụa, có lẽ ít người biết được rằng, ở vùng đất phương Nam cũng có làng ươm tơ dệt lụa thành danh, nổi tiếng lâu từ đời. Đó là làng lụa Tân Châu với sản phẩm lãnh Mỹ A nổi tiếng.

“Trai nào thanh bằng trai sông Của
Gái nào thảo bằng gái Tân Châu
Tháng ngày dệt lụa trồng dâu
Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn"

Khoảng năm 1920, cư dân ở Tân Châu chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Khoảng thập niên 1940, Tân Châu đã trở thành trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam bộ, với sản phẩm lụa Lãnh Mỹ A nức tiếng gần xa. Khi đó hầu hết các gia đình đều trồng dâu, nuôi tằm hoặc theo nghề dệt lụa. Đến những năm 1960, sản phẩm tơ lụa Tân Châu sản xuất ra không chỉ cung ứng trong nước mà còn xuất sang các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Pháp... Khách hàng mua và dùng Lãnh Mỹ A chủ yếu là giới thượng lưu, quyền quý; sản phẩm chỉ để mặc khi có lễ tết, cưới hỏi…

Thời kỳ đầu của nghề ươm tơ, dệt lụa ở Tân Châu, người ta dệt lụa theo khung dệt cổ. Khổ vải dệt ra chỉ rộng khoảng 4 tấc, dần dần, làng nghề tạo ra khung dệt khổ 8 tấc, rồi 9 tấc, đồng thời nghiên cứu làm cho lụa đẹp hơn, bền hơn với nhiều hoa văn tinh xảo như: cẩm tự, hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm…

Lụa được dệt xong sẽ nhuộm màu bằng trái mặc nưa. Công đoạn nhuộm lụa được xem là quan trọng và kỳ công. Đây là kỹ thuật phát kiến độc đáo nhất của người làng nghề xưa ở Tân Châu, làm cho lụa đen tuyền, óng ả. Nét nổi tiếng và độc đáo riêng của lụa Tân Châu chính là sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao. Các trang phục may từ lụa Tân Châu đều mang đến cho người mặc cảm giác thoải mái, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Vì lẽ đó mà lụa Tân Châu được gọi là “Nữ hoàng” của các loại tơ lụa, là một sản phẩm thuần Việt, đậm đà tính dân tộc và là niềm tự hào của người Việt, đặc biệt là những nghệ nhân xứ lụa Tân Châu.

 

---------------------

Nguồn: 

- https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/16051

- https://thanhnien.vn/doc-dao-lang-viet-to-lua-tan-chau-post1454445.html

Reviews

0.0

0 comments

Provided by

UV

USSH-VNUHCM

This story belongs to